Nhờ nắm vững kỹ thuật trồng cam sành mà vườn cam của ông Phan Văn Chung đã đem lại lợi nhuận hàng tỉ đồng mỗi năm, ông Chung vinh dự là nông dân duy nhất của tỉnh Vĩnh Long được tuyên dương danh hiệu nông dân sản xuất giỏi năm 2016 diễn ra tại Hà Nội.
Ông Chung nói về kỹ thuật trồng cam sành
Lãi tiền tỉ mỗi năm nhờ vườn cam sành
Nói chuyện với chúng tôi, ông Chung kể: Từ năm 1990 ông được cha mẹ cho 5000m2 đất vườn ao, từ đó, ông bắt đầu học cách trồng cam. Thời gian này số người nông dân trồng cam trong xã chỉ đếm trên đầu ngón tay, chính vì điều này mà ông gặp rất nhiều khó khăn trong việc học hỏi kỹ thuật trồng cam sành. Tuy nhiên, với niềm đam mê của mình ông đã tìm tòi trên sách báo và đến tận nhà vườn các xã lân cận để học hỏi kinh nghiệm để trồng vườn cam của gia đình mình. Cuối cùng thành công cũng đến với ông, đó chính là những vườn cam bội thu sau mỗi mùa vụ thu hoạch quả. Khi có trong tay một số vốn nhất định, đến năm 2000 ông quyết định mua thêm 2ha đất nữa để mở rộng mô hình trồng cam của mình lên 2,5ha. Và sau này đến năm 2014, ông tiếp tục thuê 12 ha đất và phát triển quy mô vườn của mình trên diện rộng.
Ông Chung cho biết, với giá cam sành hiện tại rơi vào khoảng 20.000 – 25.000 đồng/kg, mỗi ha cho doanh thu khoảng 1 tỷ đồng, như vậy với tổng diện tích của mình, mỗi năm doanh thu mang về cho ông Chung khoảng hơn 13 tỷ đồng. Trừ các chi phí thì lợi nhuận của ông cũng trên 6,5 tỷ đồng/năm.
Với lợi nhuận thu về hàng tỉ mỗi năm nên mọi người vẫn hay gọi ông Chung với cái biệt danh “ông vua cam sành”. Bên cạnh đó, mọi người còn rất nể phục khi ông Chung đã biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật cho cây cam ra trái nghịch vụ để có thể bán được với giá cao hơn. Ông Chung chia sẻ: Lý do ông chọn giống cam sành là vì nó là loại cây ngắn ngày, nhanh cho trái và dễ dàng xoay đồng vốn. Tuy vậy, nghề trồng cam luôn đòi hỏi chế độ chăm sóc thường xuyên, chỉ cần bỏ bê vài tuần không chú ý là cả vườn sẽ bị rụi tàn ngay. Đây chính là lý do giải thích cho việc hầu như ngày nào ông cũng ở ngoài vườn cam của mình để chăm sóc, tỉa cành, phun thuốc và tưới nước cho cây.
Ông Chung thường xuyên chăm sóc vườn cam của mình
Có được thành công như ngày hôm nay là nhờ vào việc ông không ngừng học hỏi kinh nghiệm và biết áp dụng các kỹ thuật trồng cam sành vào trong vườn cam nhà mình. Giống cây từ vườn cam của ông hầu hết là do tự tay ông chiết cành hoặc mua từ những địa chỉ uy tín, ông không bao giờ mua các giống không rõ nguồn gốc trên thị trường. Khi trồng, mật độ vườn cam của ông luôn đảm bảo, hoặc thưa hơn các vườn cam khác, tạo điều kiện tốt nhất để cho cây phát triển. Sau thời gian trồng khoảng 2 năm thì cây cam bắt đầu cho trái. Để cho cây cam khỏe mạnh, cho quả chất lượng thì chỉ nên để khoảng 60% trái đậu, số còn lại nên cắt bỏ, thường xuyên tạo cành, tỉa nhánh giúp cây phát triển tốt nhất.
Với kỹ thuật trồng cam sành như trên cộng với sự quan tâm, chăm sóc sát sao của mình, ông Chung không phải lo lắng về các loại bệnh hại trên cây. Đặc biệt, vườn cam của ông luôn cho trái to, đều và đẹp nên thương lái luôn chủ động tìm đến mua tại vườn, ông không cần mang đi bán lẻ như trước đây nữa.
Thành công với vườn cam của mình, ông Chung luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm với bà con nên rất được mọi người quý trọng. Ông dành nhiều thời gian, động viên và giúp đỡ thanh niên trong làng lập vườn, ông chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cách chăm sóc cam sao cho được hiệu quả nhất.
Ông Võ Văn Vũ – Trưởng ban Kinh tế Hội nông dân tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: ông Chung là người có kinh nghiệm, nắm vững được kỹ thuật trồng cam sành hay và hết sức độc đáo. Ông Chung đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2010 – 2015. Năm 2016 ông đại diện cho tỉnh đi Hà Nội dự lễ tuyên dương nông dân sản xuất giỏi và còn được Hội Nông dân Việt Nam đề nghị Thủ tướng tặng bằng khen.