Chat Zalo
Chat Facebook
0961.725.213

Nguyên nhân và cách khắc phục hiện tượng ngô không hạt

Hiện tượng ngô không có hạt đã khiến nông dân nhiều vùng lo lắng. Nguyên nhân thường do chất lượng giống không đảm bảo, nhưng theo các nhà chuyên môn, một phần ngô không kết hạt là do điều kiện canh tác và kiến thức của người nông dân. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một vài phương pháp giúp bà con khắc phục tình trạng này.

Nguyên nhân và cách khắc phục hiện tượng ngô không hạt

Hiện tượng ngô không hạt

Chi tiết cách khắc phục hiện tượng ngô không hạt hiệu quả nhất

Thời tiết

Trong điều kiện bình thường, cờ ngô tung phấn sớm hơn ngô phun râu từ 1 đến 3 ngày và chỉ trong 2 ngày đầu ngô phun râu, hơn 90% râu ngô được thụ phấn. Nhưng với tình hình thời tiết quá nóng và khô ( thường xảy ra từ 15 ngày trước khi trổ cờ, phun râu) sẽ thúc cho cờ trổ sớm hơn, thời gian bung phấn ngắn lại, trong khi râu ngô phun ra muộn tạo nên sự lệch pha giữa tung phấn và phun râu nên việc thụ phấn khó thành. Ở nước ta, thời tiết khô, nóng thường xảy ra ở miền Nam từ tháng 3 đến tháng 4, tháng 6 đến tháng 7 ở miền Trung và miền Bắc từ tháng 7 đến tháng 8. Nếu ngô trổ cờ phun râu vào những khoảng thời gian này thì hiện tượng bắp không hạt xảy ra là chuyện không lạ.

Để tránh hiện tượng này, bà con không nên xuống giống ngô vào thời gian từ tháng 1 đến tháng 2 dương lịch ở miền Nam, tháng 4 đến tháng 5 ở miền Trung và tháng 5 đến tháng 6 ở miền Bắc.

Tưới tiêu

Nước tưới: Nếu hạn hán trầm trọng trong thời kỳ 1-2 tuần trước khi trổ, cờ vẫn phát triển nhưng không bung phấn được, nếu thiếu nước lúc trổ cờ phun râu thì râu khô, làm cho sự thụ phấn rất khó xảy ra, bắp sẽ ít hạt hoặc không có hạt. Nếu chỉ thiếu nước trong giai đoạn sau khi thụ phấn xong thì ngô vẫn có hạt nhưng bắp và hạt phát triển kém, năng suất giảm.

Tiêu nước: Là cây trồng cạn, bộ rễ của ngô không ưa ngập nước. Nếu úng 1, 2 tuần trước khi trổ cờ, cây lá vẫn xanh, nhưng rễ bị thối, không có khả năng hấp thụ được nước và chất dinh dưỡng, sự thụ phấn cũng khó xảy ra như lúc bị hạn.

Kỹ thuật

Dinh dưỡng giữ vai trò chủ đạo trong thụ phấn, kết hạt, trong đó phân lân giữ vai trò quan trọng. Đất triền dốc, đất chua phèn, đất xám bạc màu… đều thiếu lân trầm trọng. Cây Ngô thiếu lân lá sẽ có sọc tím, thân nhỏ, rễ phát triển kém, dẫn đến bắp nhỏ, đầu bắp không có hạt, hạt nhỏ, năng suất thấp. Nhiều ruộng đất bạc màu, lâu ngày không bón phân hữu cơ hoặc đất lấy từ đào ao nuôi cá (rất nghèo dinh dưỡng), cây bắp phát triển yếu kém, còi cọc, bắp nhỏ và không kết hạt.
Để ngô phát triển, có năng suất cao, cần nón lót phân lân, bón phân hữu cơ, bón cân đối, đầy đủ phân N-P-K.

Mật độ gieo trồng cũng có ảnh hưởng lớn đến sự thụ phấn, kết hạt. Với ngô lai, nếu mật độ gieo quá dày (mỗi hốc 2-3 hạt), thân cây yếu, lá che bóng rợp nhiều, bắp nhỏ, hạt thưa. Vì vậy, cần phải gieo đúng mật độ đã khuyến cáo: 55.000-57.000 cây/ha.

Sâu bệnh

Ở giai đoạn trước và trong khi trổ cờ phun râu, nếu bị sâu đục thân, mắt thân ngay dưới lá mang bắp, sâu ăn phá râu bắp trước khi thụ phấn, sự thụ phấn khó xảy ra, bắp rất ít hạt.

Cờ nhú ra gặp lúc nắng hạn, rầy mềm (rầy nhớt, rệp cờ) phát triển rất nhanh, chích hút nhựa nuôi cờ, nếu không được phòng tránh kịp thời, cờ sẽ thiếu dinh dưỡng, khó bung phấn, ngô rất ít hạt. Để ngừa các loại sâu bệnh hại, nên rắc thuốc hạt Basudin, Furadan, Regent… vào loa kèn giai đoạn cây 7-8 lá thật và trước khi trổ cờ.

Tóm lại, ngô kết hạt không bình thường hoặc không có hạt phần lớn đều do điều kiện canh tác và yếu tố ngoại cảnh, xảy ra nghiêm trọng ở giai đoạn 2 tuần trước khi trổ cờ đến thời gian trổ cờ phun râu, nếu biết cách phòng tránh sẽ không bao giờ có hiện tượng bắp không ra hạt.

Vì sao bắp ngô bị khuyết hạt?

Thời gian qua, tình hình ngô lai khi thu hoạch lại chỉ thu được ngô không hạt, hoặc hạt ít, bị khuyết hạt, ngô “trọc đầu” v.v… xảy ra ở rất nhiều nơi từ Bắc đến Nam.

Nguyên nhân:

Mua phải giống giả: do tư thương lấy ngô thương phẩm trộn với giống thật hoặc dùng 100% ngô thương phẩm rồi tẩm màu, đóng bao bì thật thì chắc chắn đến khi thu hoạch chỉ có ngô không hạt hoặc cây có, cây không, trái ra hạt ít.

Do tác động của thời tiết, khí hậu và chế độ chăm sóc. Ngô là cây truyền phấn khác hoa, phấn hoa đực trên cờ phải rơi xuống vòi nhụy thì mới kết hạt được. Việc này thường do gió đảm nhiệm, nếu ở giai đoạn trổ cờ phun râu gặp thời tiết xấu như gió lớn làm phấn hoa bay đi xa, không bay được xuống nhụy để thụ phấn; gặp trời mưa thì hoa đực không nở để phát tán phấn hoa như bình thường, nếu phấn có phát tán thì cũng bị hút nước trương ra làm vón cục hay vỡ, không có sức sống. Trong điều kiện khô hạn, cờ (hoa đực) trổ và phát tán phấn hoa sớm khi hoa cái chưa kịp phun râu dẫn đến trổ không khớp, tạo ra ngô trọc đầu, khuyết hạt.

Mặt khác, ở ruộng ngô trong thời kỳ trổ cờ, phun râu mà thời tiết nắng nóng, không có nước tưới, gió nam thổi mạnh, việc chăm sóc gặp khó khăn thì hiện tượng ngô ít hạt hoặc hạt không đều là khó tránh khỏi.

Để khắc phục tình trạng trên, bà con cần phải:

  • Trồng ngô đúng thời vụ, chất lượng giống tốt.
  • Bón phân đầy đủ và đúng kỹ thuật.
  • Chủ động tưới tiêu
  • Giúp ngô thụ phấn nhân tạo, dùng phễu thụ phấn hoa (rung, hứng phấn hoa vào phễu) sau đó dùng bút lông dụng cụ thụ phấn, bàn chải rắc phấn hoa lên râu ngô.

Trả lời

Close Menu
×