Thưa bà con, làm ruộng xưa nay vốn được coi là một nghề vất vả, khi người nông dân quanh năm suốt tháng “hai sương một nắng”. Tuy nhiên để có được vụ mùa tốt, ngoài sự cần cù chăm chỉ, còn phụ thuộc một phần lớn vào kiến thức, kỹ thuật chăm sóc của người nông dân. Hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu đến bà con một số kỹ thuật chăm sóc lúa cấy, giúp bà con có một vụ mùa bội thu!
Kỹ thuật chăm sóc cây lúa
Kỹ thuật chăm sóc cây lúa đầy đủ, chi tiết
Làm cỏ:
Khi lúa bén rễ hồi xanh thì bà con bắt đầu làm cỏ kết hợp với bón thúc và sục bùn. Sau đó, tuỳ thuộc vào giống lúa ngắn hay dài ngày, bà con có thể tiếp tục làm cỏ, sục bùn từ 1-2 lần nữa và kết thúc trước khi lúa bước vào giai đoạn lên đòng. Làm cỏ, sục bùn giúp diệt cỏ dại, vùi phân tránh mất đạm, bổ sung oxy cho rễ, làm giảm rễ già và kích thích ra rễ mới. Bà con có thể làm cỏ bằng tay, dùng cào răng đẩy tay, hoặc sử dụng thuốc trừ cỏ.Trừ rong rêu:
Ruộng lúa có nhiều rong rêu thì nên trừ bằng cách tháo cạn nước 5-6 ngày kết hợp với bón vôi bột (5-10 kg/ha), hoặc dùng CuSO4 5-10% phun vào ngày nắng từ 1 đến 2 lần, mỗi lần cách nhau 2 đến 3 ngày, hoặc dùng MCPA dung dịch 0,4% phun 500 lít/ ha.
Bón thúc
Bón thúc đẻ nhánh: Khi lúa bén rễ hồi xanh kết hợp với làm cỏ đợt một, bón 50 -60 % lượng đạm cho lúa.
Bón đón đòng: Trước khi lúa trỗ 30 -35 ngày. Bà con bón đón đòng giúp xúc tiến phân hóa gié và hoa nhằm đạt số hạt / bông cao.
Bón nuôi đòng: Vào khoảng thời gian trước trỗ 12 đến 15 ngày, bà con bón nuôi đòng giúp tăng tỉ lệ hạt chắc và khối lượng của hạt.
Để đạt hiệu quả cao nhất của phân bón thúc, bà con nên bón sâu theo cách kết hợp với làm cỏ sục bùn, giữ nước vừa phải, tránh bón phân khi thời tiết xấu… có thể dùng phân viên tổng hợp bón tập trung vào gốc sẽ nâng cao được hiệu quả của phân.
Tưới nước:
Tùy vào điều kiện cụ thể mà đảm bảo chế độ nước phổ biến như sau: duy trì mức nước dưới 5 cm vào thời kỳ sau cấy đến thời kỳ đẻ nhánh hữu hiệu, trên 20 cm vào thời kỳ cuối đẻ nhánh để hạn chế đẻ nhánh vô hiệu. Nếu lúa tốt, sinh trưởng mạnh thì bà con nên rút nước phơi ruộng, hạn chế dinh dưỡng cũng có tác dụng làm giảm đẻ nhánh vô hiệu. Duy trì mức nước từ 5 đến 10 cm vào thời kỳ làm đòng đến chín sữa. Sau thời kỳ chín sữa có thể rút bớt nước, lúa tiếp tục vào chắc, thuận lợi cho thu hoạch.
Trong trường hợp lúa không tốt hoặc trên đất phèn, đất chua, phải duy trì mực nước trong khoảng 5 đến 6 cm để hạn chế phèn, mặn.
Phòng trừ sâu bệnh
Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phòng trừ sâu bệnh kịp thời.
Trên đây là một số kỹ thuật giúp bà con chăm sóc tốt hơn cho ruộng lúa. Chúc bà con có những vụ mùa bội thu!